Hội nghị Á – Âu về “Học tập suốt đời"

Ngày 13/12, tại Trường Đại học Mở Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Á – Âu về “Học tập suốt đời và mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.

Tham dự Hội nghị có GS.TS Phùng Xuân Nhạ - Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT); GS.TS Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội khuyến học Việt Nam; Ông Nguyễn Tiến Minh - Đại sứ, Thống đốc Quỹ Á - Âu tại Việt Nam; GS.TS Phil Hanil Ulf-Daniel EHLERS - Phó chủ tịch hiệp hội các trường Đại học châu Âu; GS.TS Melinda Dela Pẽna BANDALARIA, Chủ tịch Hiệp hội các trường Đại học Mở Châu Á; GS.TS Arne CARLSEN - Nguyên Viện trưởng Viện học tập suốt đời UNESCO cùng hơn 90 đại biểu đại diện cho Hiệp hội các Tổ chức Giáo dục Đại học Châu Âu (EURASHE); Hiệp hội Các trường đại học Mở châu Á (AAOU); Văn phòng khu vực về Giáo dục Châu Á – Thái Bình Dương của UNESCO; Mạng lưới Giáo dục liên tục bậc đại học châu Âu (EUCEN); Ban thư ký Giáo dục ASEM; Quỹ Đào tạo Châu Âu; Tổ chức đại học Pháp ngữ; Trung tâm giáo dục quốc gia, Bộ Giáo dục và Khoa học Cộng hòa Latvia; Chương trình Dự án Hỗ trợ giáo dục đại học của Liên minh châu Âu tại khu vực ASEAN (SHARE); Giám đốc điều hành EduVocat, Thụy Điển; các trường đại học: Đại học Nazarbayev, Kazakhstan; Đại học Taylor, Malaysia; Đại học Deemed, Ấn Độ; Đại học Nicosia, Cộng hòa Síp; Đại học Chulalongkorn, Thái Lan; Đại học Deakin, Úc; các Bộ ngành liên quan cùng các đại biểu đại diện cho các sở giáo dục và đào tạo, Hội khuyến học, trường đại học của Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Mở Hà Nội có PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường; TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng cùng Ban Giám hiệu, đại diện Lãnh đạo các đơn vị và các giảng viên, nhà khoa học đang công tác tại Trường.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu Khai mạc Hội nghị

Phát biểu Khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh “Hội nghị này là một dịp tốt để Việt Nam được học hỏi, chia sẻ các hoạt động hiệu quả trong việc triển khai chiến lược học tập suốt đời giữa các quốc gia của ASEM, cũng như được tiếp cận với những kết quả nghiên cứu mới nhất về giáo dục người lớn, về học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập. Những báo cáo khoa học và ý kiến phát biểu của các chuyên gia, các nhà khoa học được trình bày trong Hội nghị sẽ góp phần tạo nên những cơ sở cần thiết để hoàn thiện hệ thống giáo dục mở linh hoạt, liên thông; thúc đẩy các trường đại học cung cấp các chương trình học tập linh hoạt cho tất cả mọi người; thúc đẩy sự hợp tác trong ASEM để hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững số 4 về giáo dục (Sustainable Development Goal 4 - SDG4)”.

Đại biểu tham dự Hội nghị

Bộ trưởng cho biết, việc một hội nghị quốc tế quan trọng về học tập suốt đời được tổ chức tại Trường Đại học Mở Hà Nội với sứ mạng “mở cơ hội học tập cho mọi người” thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tới việc phát triển giáo dục mở và xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời tại Việt Nam.

TS Trương Tiến Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu Chào mừng

Trong lời phát biểu chào mừng, TS Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng cho biết, Trường Đại học Mở Hà Nội là hạt nhân, tâm điểm của xã hội học tập, học tập suốt đời tại Việt Nam với vai trò cung cấp môi trường chia sẻ, tạo lập nội dung, kho tài nguyên tri thức, tập thể sư phạm Nhà trường đã luôn hoàn thành tốt trọng trách của mình. Đại học Mở Hà Nội nồng nhiệt chào đón sự có mặt của hơn 100 đại biểu đến từ các châu lục, đất nước khác nhau nhưng cùng có một mục tiêu chung là giúp cho người dân thực hiện được ước mơ vươn tới tầm cao tri thức, để có xã hội công bằng, văn minh hơn.

GS.TS Phil Hanil Ulf-Daniel EHLERS - Phó chủ tịch hiệp hội các trường Đại học châu Âu trình bày Báo cáo đề dẫn

Sau phần Báo cáo đề dẫn của GS.TS Phil Habil Ulf-Daniel Ehlers với nội dung  “Hướng đến một nền văn hóa học tập suốt đời toàn diện, mới trong giáo dục đại học”, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về ghi nhận, xác nhận và công nhận kết quả học tập theo hình thức không chính qui và phi chính qui nhằm khuyến khích việc học tập suốt đời; các biện pháp cung cấp các chương trình học tập nhằm đáp ứng nhu cầu của người học theo hình thức phi truyền thống (đào tạo lại dành cho người lớn, nâng cao kỹ năng, cho những người bỏ học, phụ nữ và bà mẹ,vv...); hoạch định chính sách học tập suốt đời hướng đến một nền văn hóa học tập suốt đời nhằm đạt được tri thức giáo dục đại học cho mọi người.

Đại biểu trao đổi tại phiên thảo luận

Đã có 3 phiên thảo luận chung với các nội dung: “Tầm nhìn 2030: Học tập linh hoạt dẫn đến việc học suốt đời cho tất cả mọi người như thế nào?”; “Các phương pháp sáng tạo trong việc hoạch định chính sách học tập suốt đời”; “Quan hệ đối tác Á-Âu về học tập suốt đời – báo cáo và kết luận” và 3 phiên song song với các nội dung: “Sự linh hoạt hóa trong việc ghi nhận kết quả học tập”; “Sự linh hoạt hóa chương trình và nội dung học”; “Sự linh hoạt hóa trong thiết kế phương pháp và chương trình học”.

PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội phát biểu Bế mạc Hội nghị

Phát biểu bế mạc, PGS.TS Nguyễn Mai Hương – Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Mở Hà Nội cho biết, Hội nghị đã nhận được sự tham gia của 105 đại biểu, nhà khoa học đến từ  67 tổ chức quốc tế và trong nước với 22 bài báo cáo khoa học được trình bày tại các phiên và có được nhiều ý kiến trao đổi. Qua Hội nghị, các nhà khoa học và nhà quản lý càng nhận thức sâu sắc việc học thường xuyên, học suốt đời là một trong những giải pháp tích cực để con người thích ứng được với mọi thay đổi và yêu cầu mới của xã hội. Chúng ta nhận thức rõ rằng học tập thường xuyên đã, đang và sẽ là nhu cầu ngày càng tăng và đa dạng. Đây chính là nguồn tài nguyên vô hạn cho giáo dục. Trong bối cảnh đó, các tổ chức học tập nói chung và các trường đại học mở nói riêng, với sự độc đáo và sẵn sàng, sẽ đóng vai trò nòng cốt trong việc cung cấp môi trường chia sẻ, tạo lập nội dung, kho tài nguyên tri thức, là nền tảng để xây dựng xã hội học tập và và học tập suốt đời.

Đại biểu tham dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Chủ tịch Hội đồng trường Nguyễn Mai Hương gửi lời cảm ơn chân thành tới Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tạo điều kiện để Trường được đăng cai tổ chức một hội nghị khoa học quốc tế với nội dung phù hợp và ý nghĩa với sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người” của Đại học Mở Hà Nội cùng các đơn vị, tổ chức, cá nhân đã quan tâm tham dự, hỗ trợ để có được thành công của Hội nghị. 

Nguồn https://dantri.com.vn